Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Chính phủ vừa ban hành
Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 01/4/2025 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật
tháng 3 năm 2025.
Chính
phủ quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện pháp
luật, trong đó tập trung chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm một số nội dung
trọng tâm sau:
Quán triệt, thực hiện nghiêm quy định
trong việc xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn
thảo và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình bày Tờ trình một cách khoa
học, trong đó thuyết minh đầy đủ, súc tích, rõ ràng những nội dung cơ bản làm
cơ sở cho cơ quan thẩm định, thẩm tra tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá và tham
mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, cụ thể như sau:
Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh sửa
đổi, bổ sung, cần làm rõ: (1) Những quy định kế thừa hoặc lược bỏ, vì sao? (2)
Những quy định sửa đổi, hoàn thiện cụ thể, vì sao? (3) Những quy định bổ sung
mới, vì sao? (4) Những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính là
bao nhiêu, vì sao? (5) Những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho
ai, vì sao? (6) Những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc cần báo cáo Thường trực
Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh
mới, cần làm rõ các nội dung: (1) Đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể
hóa như thế nào? (2) Những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì? (3)
Những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp? (4) Những nội dung
vướng mắc cần tháo gỡ là gì? (5) Việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính
như thế nào? (6) Việc phân cấp, phần quyền phư thế nào? (7) Các vấn đề còn ý
kiến khác nhau cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng Luật cần tập trung
nguồn lực, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các công cụ trợ
lý ảo, cơ sở dữ liệu hỗ trợ...; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế độ,
chính sách xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm pháp luật để đáp ứng các
yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả về
chất lượng và tiến độ. Chính phủ giao Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Chính phủ trong
tháng 4 năm 2025 quy định về đảm bảo nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối
với 4 dự án luật, đề nghị xây dựng Luật
Tại Phiên họp ngày 19 tháng 3 năm
2025, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án luật, đề nghị xây dựng
Luật: (1) Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); (2) Luật Khoa học công nghệ và
đổi mới sáng tạo; (3) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Doanh nghiệp; (4) Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo đề
nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Phiên họp, Chính phủ thống nhất chưa xem
xét, cho ý kiến đối với các dự án Luật Cấp thoát nước và Luật Quản lý, phát
triển đô thị.
1. Về dự án Luật Khoa học, Công nghệ
và Đổi mới sáng tạo
Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và
Công nghệ đã tích cực khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây
dựng, hoàn thiện dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa
học và Công nghệ tiếp thu đầy đủ ý kiến các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện
dự thảo Luật theo hướng:
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát bám sát
Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến khoa học và công nghệ,
đặc biệt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, kế thừa các chính sách tại Nghị
quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt
tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
quốc gia đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối chỉ đạo trong
lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Xây dựng các cơ chế, chính sách của
Luật theo hướng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo cần tạo không gian nghiên
cứu, sáng tạo mở cho các nhà khoa học, chấp nhận đổi mới, rủi ro, có độ trễ
trong nghiên cứu khoa học và bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và trực tiếp làm
việc với các Bộ chuyên ngành để rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, báo cáo
Thường trực Chính phủ; thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký
Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua đối với dự án Luật này tại
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí
Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.
2. Về dự án Luật Năng lượng nguyên tử
(sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung
dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đánh giá cao việc Bộ Khoa học và
Công nghệ đã tích cực, chủ động phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc
xây dựng dự án Luật. Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu tối đa ý kiến
các Thành viên Chính phủ, ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án
Luật đáp ứng các yêu cầu sau:
Nội dung dự thảo Luật phải đúng thẩm
quyền của Quốc hội, đúng với chủ trương về đổi mới công tác xây dựng pháp luật,
phù hợp thực tiễn; bổ sung nội dung về trường hợp có các quy định pháp luật
khác nhau về cùng một vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử thì ưu
tiên áp dụng Luật này để tạo điều kiện triển khai nhà máy điện hạt nhân tại
Việt Nam; các quy định phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra,
giám sát; bảo đảm tính ổn định, lâu dài, thông thoáng và khả thi trong tổ chức
thực hiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm áp dụng.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu một số
vấn đề cụ thể: (i) Các khoản, điều, chương, mục dự thảo Luật, bảo đảm tính
logic, không mâu thuẫn, quy định rõ trong Luật các điều khoản nào sẽ có hiệu
lực ngay; bổ sung quy định về bảo đảm an toàn, an ninh các cơ sở hạt nhân như
nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu, quy định về cơ quan pháp quy hạt
nhân và giải trình cụ thể về sự cần thiết; (ii) các quy định liên quan đến
quyền con người, quyền công dân để quy định rõ trong dự thảo Luật; (iii) kinh
nghiệm, pháp luật của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử,
các khuyến cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để luật hóa các
nội dung phù hợp với nhu cầu phát triển và đặc thù của Việt Nam, bảo đảm tuân
thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội
để xem xét, thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa
XV.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí
Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.
3. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương
đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu
các ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan liên quan hoàn
thiện Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật và trình bày rõ tại Tờ trình Chính phủ về 06 yêu cầu cần làm rõ được
nêu tại Nghị quyết này. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật lưu ý thêm các
nội dung sau:
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả có phạm vi, đối tượng rộng, cần được triển khai trong tất cả các công đoạn:
sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện (bao gồm cả sản
xuất, kinh doanh, tiêu dùng). Do đó, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ,
quy định đầy đủ cho các đối tượng trong các công đoạn nói trên để đảm bảo việc
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai đồng bộ.
Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy
quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho
ý kiến thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn
chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.
4. Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp
Chính phủ thống nhất sự cần thiết sửa
đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các định hướng, quan điểm
của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời tháo gỡ các khó khăn,
vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật Doanh nghiệp, phù hợp với thực
tiễn; thực hiện đúng các cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính
(FATF).
Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý
kiến các thành viên Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện các chính
sách của dự án Luật, đáp ứng các yêu cầu sau:
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành
chính, cắt bỏ các quy định không còn hợp lý; thiết kế chính sách cần thông
thoáng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bảo đảm tăng về số lượng
doanh nghiệp, nâng cao về chất lượng, tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng
toàn cầu, chủ động, tiên phong trong nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ,
đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, mạnh và
bền vững.
Trong công tác quản lý, cần chuyển
mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm
tra, giám sát.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ
quan liên quan chủ động soạn thảo nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày
05 tháng 4 năm 2025 để kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc
hội ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật năm 2025 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XV.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án
Luật này.
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ.