Bộ Nội vụ: Đề xuất tiêu chí mới, hướng tới khoảng 5.000 đơn vị cấp xã, phường
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết cơ quan này đã hoàn thiện dự thảo mới nhất
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó,
các tiêu chí mới được đề xuất nhằm đưa tổng số đơn vị hành chính cấp xã còn khoảng
5.000 đơn vị.
Ngày 28/3, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì
buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người
có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung, nhân kỷ niệm 50 năm
Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tại sự kiện, Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc sắp xếp tổ chức bộ máy
của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, với tinh
thần quyết liệt, khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng", không cầu toàn
nhưng cũng không nóng vội; không được để gián đoạn công việc và mô hình tổ chức
mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ.
Theo Tổng Bí thư, dự kiến sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên
cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; kết thúc hoạt động của tổ chức
cấp huyện và sẽ tổ chức khoảng 5.000 cấp xã, phường.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, đại diện Bộ Nội vụ cho biết,
để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tạo cơ sở pháp lý
thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; trên cơ sở kết
quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua, việc
Chính phủ xây dựng, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc
sắp xếp đơn vị hành chính là cần thiết.
Với định hướng sắp xếp, sáp nhập tổng số 10.035 đơn vị hành
chính cấp xã hiện nay còn khoảng 5.000 đơn vị, Bộ Nội vụ đã tham mưu, xây dựng
và hoàn thiện dự thảo mới nhất về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
việc sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời gửi xin ý kiến các địa phương.
"So với dự thảo ban đầu, tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính
cấp xã đã có một số điều chỉnh để phù hợp với chỉ đạo cấp trên và tình hình
thực tế", đại diện Bộ Nội vụ cho biết.
Cũng theo Bộ Nội vụ, chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính
cấp xã, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập tỉnh là chủ trương lớn, tầm nhìn
chiến lược, dài hạn, vì sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp không chỉ là vấn đề điều
chỉnh địa giới hành chính; tinh gọn đầu mối mà còn là điều chỉnh không gian
kinh tế; điều chỉnh về phân công, phân cấp, điều chỉnh về phân bổ và kết hợp
các nguồn lực kinh tế; hướng tới mục tiêu lớn hơn là mở rộng không gian phát
triển, tạo nền tảng, sức bật cho đất nước theo các mục tiêu, tầm nhìn chiến
lược và dài hạn; là phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới.
Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp là cơ hội
để sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ thực sự đáp ứng yêu cầu phát
triển đất nước trong giai đoạn tới; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu
lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế; tiết
kiệm chi cho ngân sách, góp phần vào cải cách chính sách tiền lương, nâng cao
đời sống cho cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng, trách nhiệm cho đội ngũ
cán bộ, công chức các cấp.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngoài các tiêu chí về
diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật cần cân nhắc
thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí,
điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao
thông, công nghệ thông tin, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và
hội nhập quốc tế.
Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sắp
xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm tinh gọn, giảm
cấp trung gian; xây dựng và củng cố chính quyền địa phương cấp cơ sở vững
mạnh, gần dân, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho
Nhân dân...
Nguồn:
Báo Điện tử Chính phủ.